Binh lực và kế hoạch Chiến_dịch_Gorodok_(1943)

Quân đội Liên Xô

Binh lực

Phương diện quân Prialtic 1 do thượng tướng I. Kh. Bagramian làm tư lệnh, sử dụng cánh phải tấn công hướng Nevel - Gorodok. Binh lực bao gồm:

  • Tập đoàn quân cận vệ 11 do trung tướng K. N. Galitsky chỉ huy. Thành phần gồm có:
    • Bộ binh: Các quân đoàn cận vệ 8, 16, 36; các sư đoàn cận vệ 18, 90. Tổng cộng 11 sư đoàn.
    • Pháo binh: 2 sư đoàn pháo binh hỗn hợp, 3 trung đoàn Katyusha, 3 trung đoàn lựu pháo, 1 trung đoàn pháo chống tăng, 1 sư đoàn và 5 trung đoàn súng cối, 2 sư đoàn và 1 trung đoàn phòng không.
    • Thiết giáp: Quân đoàn xe tăng cận vệ 1 gồm 3 lữ đoàn tăng, 2 trung đoàn cơ giới, 1 trung đoàn pháo tự hành, 1 trung đoàn pháo chống tăng, 1 trung đoàn phòng không, 1 tiểu đoàn trinh sát cơ giới; Lữ đoàn xe tăng cận vệ 10, Trung đoàn xe tăng cận vệ 2.
    • Phóng hỏa: 2 đại đội súng phun lửa.
    • Công binh: 1 lữ đoàn công binh hỗn hợp, 2 tiểu đoàn công binh công trình.
  • Tập đoàn quân xung kích 4 do trung tướng V. I. Svetsov chỉ huy. Thành phần gồm có:
    • Bộ binh: các quân đoàn cận vệ 2, 22; các quân đoàn 60, 83. Tổng cộng 11 sư đoàn và 1 lữ đoàn.
    • Kỵ binh: Quân đoàn kỵ binh cận vệ 3 gồm 3 sư đoàn kỵ binh, 1 trung đoàn pháo tự hành, 1 trung đoàn cơ giới, 1 trung đoàn pháo chống tăng, 1 trung đoàn súng cối, 1 trung đoàn phòng không.
    • Pháo binh: 1 trung đoàn pháo nòng dài, 1 trung đoàn lựu pháo, 1 trung đoàn Katyusha, 1 trung đoàn pháo chống tăng, 3 trung đoàn súng cối, 1 trung đoàn phòng không.
    • Thiết giáp: Quân đoàn xe tăng 5 gồm 3 lữ đoàn xe tăng, 1 lữ đoàn cơ giới, 3 trung đoàn pháo tự hành, 1 trung đoàn súng cối, 1 tiểu đoàn trinh sát cơ giới, 1 trung đoàn phòng không; các Lữ đoàn xe tăng 34 (cận vệ) và 236; Tiểu đoàn xe tăng độc lập 171.
    • Phóng hỏa: 1 đại đội súng phun lửa.
    • Công binh: 1 lữ đoàn công binh hỗn hợp, 2 tiều đoàn công binh công trình, 1 tiểu đoàn rà phá mìn.
  • Tập đoàn quân 43 do trung tướng K. D. Golubev chỉ huy. Thành phần gồm có:
    • Bộ binh: Các quân đoàn 1, 91, 92. Tổng cộng 8 sư đoàn và 2 lữ đoàn.
    • Pháo binh: 1 trung đoàn pháo nòng dài, 4 trung đoàn lựu pháo, 2 trung đoàn pháo chống tăng, 1 lữ đoàn và 1 trung đoàn súng cối, 2 trung đoàn phòng không.
    • Thiết giáp: các lữ đoàn xe tăng 60, 143; Lữ đoàn cơ giới 46, Trung đoàn xe tăng độc lập 105.
    • Công binh: 2 tiểu đoàn công binh hỗn hợp, 1 tiểu đoàn rà phá mìn.
  • Tập đoàn quân không quân 3 của trung tướng N. F. Papivin. Thành phần gồm có:
    • Tiêm kích: 2 quân đoàn và 2 sư đoàn
    • Cường kích: 1 quân đoàn, 2 sư đoàn và 1 trung đoàn.
    • Ném bom: 1 sư đoàn và 1 trung đoàn.
    • Vận tải, cứu hộ: 2 trung đoàn.
    • Trinh sát, liên lạc: 1 trung đoàn
    • Pháo phòng không: 3 trung đoàn.

Phương diện quân Pribaltic 2 do thượng tướng M. M. Popov làm tư lệnh, sử dụng cánh trái tấn công trên hướng Nevel - Pskov. Binh lực bao gồm:

  • Tập đoàn quân cận vệ 6 do trung tướng I. M. Chistyakov chỉ huy. Thành phần gồm có:
    • Bộ binh: Quân đoàn cận vệ 23, các quân đoàn 96, 97, 98. Tổng cộng 11 sư đoàn.
    • Pháo binh: Sư đoàn pháo tầm xa 20, Sư đoàn pháo binh hỗn hợp 27, 1 lữ đoàn và 1 trung đoàn lựu pháo, 1 lữ đoàn và 2 trung đoàn pháo chống tăng, 1 lữ đoàn và 4 trung đoàn súng cối, 2 sư đoàn và 3 trung đoàn phòng không.
    • Thiết giáp: Lữ đoàn xe tăng cận vệ 38; các trung đoàn xe tăng cận vệ 3, 27 và 30; các trung đoàn xe tăng độc lập 32, 38, 65, 221 và 249; Trung đoàn pháo tự hành 1539.
    • Phóng hỏa: Tiểu đoàn súng phun lửa 18
    • Công binh: 1 lữ đoàn công binh cầu đường, 2 tiểu đoàn công binh công trình.
  • Tập đoàn quân xung kích 3 do thượng tướng N. E. Chibisov chỉ huy. Thành phần gồm có:
    • Bộ binh: các quân đoàn 79, 90, 93, 100. Tổng cộng 12 sư đoàn.
    • Pháo binh: 2 trung đoàn pháo nòng dài, 1 trung đoàn lựu pháo, 1 trung đoàn pháo chống tăng, 3 trung đoàn súng cối, 1 trung đoàn và 1 tiểu đoàn phòng không.
    • Thiết giáp: Lữ đoàn xe tăng cận vệ 29; các lữ đoàn xe tăng 78, 92, 118; Trung đoàn pháo tự hành 1453.
    • Công binh: 1 lữ đoàn công binh hỗn hợp, 2 tiểu đoàn công binh công trình.
  • Một phần Tập đoàn quân không quân 15 do trung tướng N. F. Naumenko chỉ huy. Thành phần tham gia chiến dịch gồm có:
    • Tiêm kích: Sư đoàn 315 và Trung đoàn 293.
    • Cường kích: Sư đoàn cận vệ 3.
    • Ném bom: Các trung đoàn 1, 55, 99
    • Trinh sát, liên lạc: Trung đoàn 15.
    • Cứu hộ: Trung đoàn 1003.
    • Pháo phòng không: Các trung đoàn 1596, 1597.

Kế hoạch

Sau Chiến dịch tấn công Nevel, tướng K. N. Galitsky vẫn kiên trì yêu cầu STAVKA và tư lệnh Phương diện quân Kalinin điều động thêm binh lực tăng cường để tiếp tục tấn công, mở rộng bàn đạp. Đặc biệt, do quân Đức Liên tục phản kích, thành phố Nevel đã trở thành một "thành phố mặt trận" do chỉ cách tiền duyên chưa đến 10 km, nằm trong tần bắn của pháo binh Đức. Đại bản doanh bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô cũng diễn ra cuộc tranh luận giữa việc tiếp tục tấn công hoặc tạm dừng tấn công để chờ đến khi tập trung đầy đủ lực lượng dự bị, vũ khí, phương tiện và tạo được một thế trận có lợi trên hướng Tây. Trước những ý kiến ngược chiều nhau, Tổng tư lệnh I. V. Stalin chọn giải pháp trung bình. Ông ra lệnh cho các phương diện quân trên hướng Tây mở một số chiến dịch đệm, vừa để tạo thế cho các chiến dịch tấn công chiến lược sau này, vừa để giam chân các binh đoàn xe tăng mạnh của quân đội Đức Quốc xã, không để cho quân Đức điều các binh đoàn này xuống mặt trận Ukraina. Do các nguyên soái G. K. Zhukov và A. M. Vasilevsky đã điều phối hoạt động của 4 phương diện quân Ukraina, Tổng tư lệnh I. V. Stalin giao cho nguyên soái pháo binh N. N. Voronov tiếp tục chỉ đạo hoạt động của các phương diện quân trên hướng Tây, bao gồm cả các phương diện quân Pribaltic 1 và 2.[4]

Kế hoạch tấn công của hai phương diện quân Pribaltic khá đơn giản. Phương diện quân Pribaltic 2 sẽ mở một mũi tấn công từ tây bắc bàn đạp Nevel lên tuyến sông Velikan ở phía bắc, bao vây cụm quân Đức tại Novosokolniki. Phương diện quân Pribaltic 1 sẽ mở mũi tấn công từ tây nam bàn đạp Nevel xuống phía nam sông Tây Dvina, bao vây cụm quân Đức tạo Gorodok và đánh chiếm Vitebsk. Mỗi phương diện quân đều được bổ sung những sinh lực mới gồm các tập đoàn quân cận vệ 6 và 11. Mỗi tập đoàn quân đều có một quân đoàn xe tăng. Các mũi tấn công chủ yếu đều xuất phát từ Nevel. Các hướng thứ yếu tại phía đông Novosokolniki và phía đông khu vực Gorodok - Vitebsk có nhiệm vụ thu hút chủ lực quân Đức ra khỏi các hướng tấn công chính.[5]

Quân đội Đức Quốc xã

Binh lực

Tập đoàn quân xe tăng 3 thuộc Cụm tập đoàn quân Trung tâm do thượng tướng Georg-Hans Reinhardt làm tư lệnh, phòng thủ hướng Gorodok - Vitebsk. Binh lực gồm có:

  • Quân đoàn bộ binh 6 của trung tướng Hans Jordan, trong biên chế có:
    • Bộ binh: Các sư đoàn 14, 87, 206; Trung đoàn biệt kích 36; Cụm tác chiến Vitebsk
    • Pháo binh trực thuộc quân đoàn: Các tiểu đoàn pháo nòng dài 2,5,7; Trung đoàn lựu pháo 513.
    • Trợ chiến: Các tiểu đoàn bộ binh moto 46, 406; các tiểu đoàn công binh, thông tin, hậu cần.
  • Quân đoàn bộ binh 9 của trung tướng Rolf Wuthmann, trong biên chế có:
    • Bộ binh: Sư đoàn đổ bộ đường không 6; các sư đoàn bộ binh 129, 252; Trung đoàn biệt kích 113; Cụm tác chiến Gorodok.
    • Pháo binh trực thuộc quân đoàn: Các trung đoàn pháo nòng dài 365, 547; Trung đoàn sơn pháo 628; các tiểu đoàn súng cối 177, 190, 600, 667.
    • Thiết giáp: Sư đoàn xe tăng 20.
    • Trợ chiến: Các tiểu đoàn trinh sát, thông tin, công binh, hậu cần.
  • Quân đoàn bộ binh 53 của trung tướng Friedrich Gollwitzer, trong biên chế có:
    • Bộ binh: Các sư đoàn đổ bộ đường không 3, 4; các sư đoàn bộ binh 246, 256
    • Pháo binh trực thuộc quân đoàn: Các tiểu đoàn pháo binh hạng nặng 1, 7; các trung đoàn pháo nòng dài 39, 41, 845; các trung đoàn lựu pháo 46, 51, 106; các tiểu đoàn súng cối 103, 415, 557, 564.
    • Thiết giáp: Sư đoàn xe tăng 25.
    • Trợ chiến:Các tiểu đoàn trinh sát, thông tin, công binh, hậu cần.
  • Sư đoàn an ninh 201 (trực thuộc tư lệnh Tập đoàn quân)

Tập đoàn quân 16 thuộc Cụm tập đoàn quân Bắc do thượng tướng Christian Hansen làm tư lệnh, cánh phải của Tập đoàn quân này phòng thủ trên hướng Novosokoniki - Pskov. Binh lực gồm có:

  • Quân đoàn bộ binh 10 của tướng Thomas-Emil von Wickede, trong biên chế có:
    • Bộ binh: Các sư đoàn bộ binh xung kích 5, 8; Sư đoàn đổ bộ đường không 21; Sư đoàn bộ binh 30.
    • Pháo binh trực thuộc quân đoàn: Trung đoàn pháo binh hỗn hợp 519
    • Trợ chiến:Các tiểu đoàn trinh sát, thông tin, công binh, hậu cần.
  • Quân đoàn bộ binh 43 của tướng Karl von Oven, trong biên chế có:
    • Bộ binh: Các sư đoàn 83, 205, 263.
    • Thiết giáp: Trung đoàn cơ giới 504, Trung đoàn pháo tự hành 666
    • Pháo binh trực thuộc quân đoàn: Trung đoàn lựu pháo 35, các tiểu đoàn súng cối 656 và 786.
    • Trợ chiến: Các tiểu đoàn trinh sát, thông tin, công binh, hậu cần.

Kế hoạch

Sau khi bị quân đội Liên Xô đánh bật khỏi Nevel, Tổng hành dinh quân đội Đức Quốc xã đã điều động bổ sung cho Tập đoàn quân xe tăng 3 5 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn xe tăng. Quân đoàn bộ binh 43 thuộc Tập đoàn quân 16 cũng được tăng cường các sư đoàn bộ binh xung kích 5 và 6 rút từ hướng Leningrad. Trên hướng Tây và tây bắc Nevel, các quân đoàn bộ binh 10 và 43 (Đức) thiết lập các tuyến phòng thủ dọc theo sông Drissa và sông Velikan, trong đó có các trung tâm phòng ngự mạnh tại Idritsa, Pustoshka và Novosokolniki. Trên hướng tây nam và Nam Nevel, Tập đoàn quân xe tăng 3 cũng tổ chức phòng thủ nhiều lớp trên các con sông Obol, Obsyanks che chở cho cụm cứ điểm Gorodok và sông Tây Dvina che chở cho Vitebsk. Các sư đoàn xe tăng, các trung đoàn cơ giới và pháo tự hành có nhiệm vụ lập nhiều chốt chặn tại các tuyến đường sắt và đường bộ nối Nevel với Polotsk, với Pskov và Nevel qua Gorodok đến Vitebsk. Một loạt các hồ từ Tây sang Đông gồm các hồ Sintsa, Yemnets, Ordovo, Yeritse, Sennitsa và dải hồ-đầm lầy chạy từ Bắc xuống Nam gồm các hồ Sbino, Bernovo, Chernovo và Kosho, cũng được lợi dụng như những chướng ngại tự nhiên, kết hợp với các bãi mìn để hạn chế sức mạnh của xe tăng, thiết giáp.[2]

Ngày 6 tháng 11 năm 1943, Adolf Hitler đến Vitebsk để úy lạo sĩ quan và binh sĩ Đức thuộc Cụm tập đoàn quân Trung tâm. Đây cũng là lần duy nhất, Hitler đi thăm quân Đức ở ngay sát mặt trận như vậy, 6 sư đoàn cảnh binh SS và hàng vạn mật vụ Gestapo được huy động để bảo đảm an toàn cho chuyến tàu hỏa đặc biệt chở Hitler trên suốt dọc tuyến đường sắt Berlin - Warshawa - Minsk. Thế giới chỉ được thông tin về chuyến đi thăm mặt trận này của Hitler ba ngày sau đó qua Đài phát thanh Berlin, khi Hitler đã về đến Berlin an toàn. Một tuần sau đó, hãng phim Wochenshau theo lệnh của Paul Joseph Göbbels đã làm một bộ phim tài liệu dài 30 phút về chuyến thăm mặt trận này của Hitler. Dư luận phương Tây cho rằng chuyến đi mặt trận này là đòn tuyên tuyền đáp trả cuộc đi thăm mặt trận tại Phương diện quân Kalinin của Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô Iosif Vissarionovich Stalin trước đó mấy tháng.[6]

Tại Vitebsk, Hitler yêu cầu thống chế Ernst Busch, Tư lệnh Cụm tập đoàn quân Tập đoàn quân Trung tâm (Đức) phải tấn công để loại bỏ mối nguy hiểm do "chỗ lồi Nevel" đang bị quân đội Liên Xô chiếm giữ gây ra. Đến ngày 13 tháng 12, khi quân đội Liên Xô phát động chiến dịch tấn công Gorodok - Vitebsk. Hitler vẫn yêu cầu Bộ Tổng tham mưu quân đội Đức quốc xã nhắc nhở thống chế Ernst Busch về việc này:

Mệnh lệnh của Quốc trưởng yêu cầu xác định mục tiêu trước mắt của Tập đoàn quân xe tăng 3 là đột kích và tiêu diệt đối phương ở phía tây Nevel; qua đó cải thiện thế trận trên mạn sườn phía bắc của Cụm tập đoàn quân Trung tâm. Lệnh này phải được thực hiện ngay lập tức và vô diều kiện
— Thừa lệnh Führer - OWH[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Gorodok_(1943) http://www.pobeda.witebsk.by/land/epizode/1943/ http://haradok.info/rus/%D0%B3%D0%BE%D1%80%D0%BE%D... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/ http://militera.lib.ru/h/kirichenko_pi/09.html http://militera.lib.ru/h/tippelskirch/08.html http://militera.lib.ru/memo/russian/bagramyan2/05.... http://militera.lib.ru/memo/russian/beloborodov2/1...